Lịch sử Nam triều Nam-Bắc_triều_(Trung_Quốc)

Thời kỳ Nam triều bắt đầu từ năm 420, khi quyền thần Lưu Dụ của Đông Tấn soán vị, kết thúc khi Tùy diệt Trần vào năm 589. Nam triều trải qua bốn triều đại Tống, Tề, Lương, Trần, đều kiến đô ở Kiến Khang; chỉ có Lương từng thiên đô. Bốn triều đại này cùng những triều đại trước đó kiến đô ở Kiến Khang[chú 4]Đông NgôĐông Tấn gọi chung là "Lục triều".

Lưu Tống

Bài chi tiết: Lưu Tống
Tống Vũ Đế Lưu Dụ

Lưu Tống Vũ Đế Lưu Dụ nguyên là thủ lĩnh Bắc phủ binh của Đông Tấn, sau loạn Hoàn Huyền thì nắm quyền kiểm soát triều đình. Để có được thanh thế nhằm soán Tấn, Lưu Dụ hai lần phát động Bắc phạt, thu phục các khu vực Sơn Đông, Hà Nam và Quan Trung (Quan Trung sau bị Hạ chiếm lĩnh). Sau đó, Lưu Dụ sát hại Tấn An Đế, cải lập Tấn Cung Đế, hai năm sau (420) thì soán vị giống như Tấn soán Ngụy khi trước, kiến quốc Lưu Tống, Đông Tấn diệt vong, phương nam tiến vào "thời kỳ Nam-Bắc triều". Năm 440, sau khi Bắc Ngụy thống nhất phương bắc, cùng với Lưu Tống hình thành thế đối lập Nam-Bắc. Tống Vũ Đế xuất thân từ quân đội, là người cương nghị kiệm phác, sau khi xưng đế vẫn nỗ lực thực hiện tiết kiệm, tạm thời cục thế chính trị rất tốt. Tuy nhiên, ông không xem trọng giáo dục hoàng thất, tin tưởng giao phó cho kẻ xấu, dẫn đến đại họa.[3] Ông nhận thức được đương thời quyền thế của thế tộc rất lớn, uy quyền của quân chủ trở nên suy yếu, do vậy về chính trị thì trọng dụng những người xuất thân từ hàn tộc đáng tin tưởng để giao cho quyền hành, quân quyền ở trọng trấn thì phó thác cho tông thất hoàng tộc. Tông thất nắm giữ quân quyền và chính trị nên trong lòng sinh ra ý soán vị, do vậy giữa hoàng đế và tông thất nhiều lần xảy ra thảm kịch cốt nhục tương tàn.

Cương vực năm 440:
  Lưu Tống
  Bắc Ngụy

Sau khi Lưu Tống Vũ Đế qua đời, Lưu Tống Thiếu Đế kế lập, nhưng vì ham chơi thất đức, bị các phụ chính đại thần Từ Tiện Chi, Phó LượngTạ Hối sát hại, cải lập Nghi Đô vương Nghĩa Long, tức Lưu Tống Văn Đế. Sau này, Văn Đế cùng danh tướng Bắc phủ binh trừ bỏ những kẻ muốn kiểm soát quốc chính, khiến chính cục ổn định. Lưu Tống Văn Đế đề xướng tiết kiệm, đồng thời thanh lọc đội ngũ quan lại, khai sáng "Nguyên Gia chi trị". Từ năm 430, Tống Văn Đế nhiều lần Bắc phạt, nhưng do chuẩn bị không đầy đủ, thêm vào đó là Văn Đế chỉ huy sai lầm, dùng sách lược "binh hoang tài đơn", quốc lực suy yếu đi nhiều. Danh tướng Đàn Đạo Tế do lập được quân công nên bị Tống Văn Đế nghi kỵ và loại trừ, do đó càng khiến Lưu Tống mất khả năng cân bằng thực lực với Bắc Ngụy. Đương thời, Bắc Ngụy xảy ra việc Cái Ngô khởi sự làm phản, song Lưu Tống không thể tức thời Bắc phạt. Đến năm 445, Bắc Ngụy nhân lúc kẻ địch mạnh là Nhu Nhiên tạm thời suy yếu, bắt đầu phát động nhiều lần Nam chinh, hai bên giao chiến qua lại ở vùng Hoài Nam, quân Bắc Ngụy thậm chí từng tiến sát đến Trường Giang. Lưu Tống sau đó không còn thực lực để lại phát động chiến tranh.[12]

Năm 453, Lưu Tống Văn Đế bị Thái tử Thiệu sát hại, tam tử Lưu Tuấn thừa cơ suất quân đoạt vị, tức Hiếu Vũ Đế. Hiếu Vũ Đế là người hoang dâm tàn bạo, gian dâm với cháu gái, khiến phát sinh hai lần chiến sự trong nội bộ tông thất, cuối cùng còn đồ sát tại thành Quảng Lăng. Đương thời, nhân dân lưu truyền câu nói: "Kiến Khang nhìn từ xa, thành nhỏ sông ngược nước chảy vòng quanh, trước thấy con giết cha, sau thấy em giết anh", biểu thị giai đoạn lịch sử này. Sau khi Lưu Tử Nghiệp kế vị, lại tiến hành đại sát tông thất, sau bị hoàng thúc Tương Đông vương Lưu Úc sát hại đoạt vị, tức Minh Đế. Tuy nhiên, Minh Đế cũng tiến hành đại sát tông thất, khiến tử tôn của Hiếu Vũ Đế bị tuyệt diệt. Sau khi Lưu Dục kế vị, chính cục biến động, xảy ra biến loạn, tướng quân Tiêu Đạo Thành dần dần kiểm soát quân quyền. Sau khi Lưu Dục qua đời, Tiêu Đạo Thành đưa Lưu Chuẩn lên ngôi, tức Tống Thuận Đế, Tiêu Đạo Thành một mình nắm hết triều chính. Sau khi tiêu diệt đối thủ chính trị là Viên XánThẩm Du Chi, Tiêu Đạo Thành soán vị vào năm 479, kiến quốc Nam Tề, sử gọi là Tề Cao Đế, Lưu Tống mất.[13]

Nam Tề

Bài chi tiết: Nam Tề

Nam Tề Cao Đế thuộc thế tộc Lan Lăng Tiêu thị, song địa vị không cao, do vậy bị thế tộc quyền quý xem thường. Cảnh tượng chính trị dưới thời Nam Tề Cao Đế cũng giống như Tống sơ, thực hiện cai trị tiết kiệm, tại vị được 4 năm thì qua đời, Thái tử Trách kế lập, tức Vũ Đế. Vũ Đế cai trị thanh minh, không có chiến sự với Bắc Ngụy, an dân bảo cảnh, sử gọi là "Vĩnh Minh chi trị". Đương thời, Hoàng đế lợi dụng "quan điểm thiên"[chú 5] làm tai mắt, giám sát chính sự các châu và chư vương tông thất.

Sau khi Vũ Đế qua đời, Hoàng thái tôn Tiêu Chiêu Nghiệp kế lập, do Tiêu Tử Lương cùng Tiêu Loan phụ chính. Tuy nhiên, Hoàng đế xa xỉ chìm đắm trong vui đùa, quốc chính dần rơi vào tay Tiêu Loan. Tiêu Loan có ý soán vị, sau khi sát hại Tiêu Chiêu Nghiệp thì cải lập Tiêu Chiêu Văn, không lâu sau lại phế Tiêu Chiêu Văn, tự lập làm hoàng đế, tức Minh Đế. Sau khi kế vị, Minh Đế lợi dụng "quan điểm thiên" mà đại sát chư vương tông thất, tử tôn của Cao Đế và Vũ Dế đầu bị tận sát.[13] Những năm cuối đời, Minh Đế bệnh trọng, khá tôn trọng Đạo giáo và pháp thuật, đem phục trang sở hữu đổi sang màu đỏ; Minh Đế còn đặc biệt hạ chiếu cho các quan phủ lệnh trưng thu "ngân ngư" để làm thuốc. Năm 498, Minh Đế bệnh mất, Thái tử Tiêu Bảo Quyển kế lập. Tiêu Bảo Quản là hôn quân tàn bạo, sát hại cố mệnh đại thần, khiến các phương trấn nổ ra bạo loạn. Sau khi bình xong loạn, Tiêu Bảo Quyển lại sát hại những người có công bình loạn như Ung châu thứ sử Tiêu Ý. Năm 501, em của Tiêu Ý là Tiêu Diễn tuyên bố khởi binh, lập Tiêu Bảo Dung làm hoàng đế tại Giang Lăng, tức Hòa Đế. Sau khi Tiêu Diễn đánh vào Kiến Khang, Tiêu Bảo Quyển bị tướng quân Vương Trân Quốc sát hại. Năm sau, Tiêu Diễn soán vị, kiến quốc Lương, sử gọi là Lương Vũ Đế, Nam Tề mất.[14]

Lương và loạn Hầu Cảnh

Bài chi tiết: nhà Lươngloạn Hầu Cảnh
Chân dung Lương Vũ Đế

Lương Vũ Đế thuộc nhánh phụ của Lan Lăng Tiêu thị, là người tiết kiệm, cần chính, yêu dân; khai sáng "Thiên Giám chi trị" vào tiền kỳ triều Lương, quốc lực vượt qua Bắc Ngụy đang dần hỗn loạn. Rút kinh nghiệm từ việc đồ sát tông thất của triều Tống-Tề, Lương Vũ Đế đối với tông thất hết sức khoan dung, ngay cả khi họ phạm tội thì ông cũng không truy cứu.[15] Lương Vũ Đế có học vấn uyên bác, đề xướng phát triển học thuật, khiến lĩnh vực giáo dục của Lương phát đạt, văn hóa Nam triều phát triển tới cực điểm. Đến hậu kỳ, Lương Vũ Đến say mê Phật giáo, ba lần xá thân chùa Đồng Thái. Do tăng lữ-đạo sĩ không phải nộp thuế, có gần một nửa hộ khẩu ghi danh làm bề dưới, tài chính quốc gia chịu tổn thất to lớn. Đương thời, tông thất và quan viên ham tiền, xa xỉ, họ chìm đắm trong rượu hay vàng bạc, không thể tự vượt lên được.[16]

Sơ kỳ Lương Vũ Đế, Bắc Ngụy sau vận động Hán hóa thì phát sinh mâu thuẫn, quốc lực dần thua kém so với Lương. Từ năm 503 trở đi, Bắc Ngụy và Lương hội chiến ở khu vực Hoài Nam, cuối cùng Cương Nghĩa Chi, Tào Cảnh Tông, Vi Duệ đại thắng quân Bắc Ngụy trong trận Chung Li. Lương Vũ Đế đến lúc này tích cực Bắc phạt, song phạm vi không vượt ra khỏi khu vực Hoài Nam. Năm 516, quân Lương đánh tan quân Bắc Ngụy trong trận Thọ Dương, song vì tổn thất quá lớn nên tạm đình chỉ Bắc phạt, 10 năm sau mới đoạt được Thọ Dương. Ngoài ra, Lương Vũ Đế thích dùng hàng tướng, trao cho họ danh lợi trong khi họ vẫn chưa lập được công lao. Đến khi Bắc Ngụy phát sinh loạn Lục trấn, vào mùa đông năm 528, Lương Vũ Đế phái Trần Khánh Chi hộ tống Bắc Hải vương Nguyên Hạo của Bắc Ngụy về bắc kế vị. Trần Khánh Chi mặc dù có thể đem 7.000 kị binh đánh đến Lạc Dương, song cô độc không có viện binh nên cuối cùng thất bại. Thời kỳ Đông Ngụy-Tây Ngụy, tướng Hầu Cảnh của Đông Ngụy chịu áp lực từ cả Đông Ngụy và Tây Ngụy nên chạy sang Lương. Lương Vũ Đế dùng Hầu Cảnh bắc phạt Đông Ngụy. Tuy nhiên, sau khi quân Lương chiến bại, Lương Vũ Đế có ý đồ đưa Hầu Cảnh về Đông Ngụy để cầu hòa. Hầu Cảnh biết được việc này liền khởi binh làm phản, tiến về phía nam công Kiến Khang, sử gọi là "loạn Hầu Cảnh".[17] Tướng Lương là Tiêu Chính Đức dẫn Hầu Cảnh vượt Trường Giang, Hầu Cảnh tiến vào Kiến Khang, Lương Vũ Đế rút vào Đài Thành. Sau đó, mặc dù các địa phương phái quân cần vương song đều giữ thái độ dò xét tình hình. Hầu Cảnh nghe tin quân cần vương tiến đến thì từng tiến hành hòa đàm, song cuói cùng bội ước và đánh chiếm Đài Thành. Sau khi Kiến Khang thất thủ, Hầu Cảnh đồ sát thế tộc Giang Nam, là sự đả kích mang tính hủy diệt đối với chính trị Nam triều.[18] Lương Vũ Đế cuối cùng chết đói, Hầu Cảnh trước sau lập rồi sát hại Tiêu CươngTiêu Đống, cuối cùng soán vị kiến quốc "Hán".

Tuy nhiên, thế lực của Hầu Cảnh chỉ giới hạn trong phạm vi Giang Đông và bình nguyên Giang Hán, khu vực Lương châu và Ích châu vẫn do Lương thất khống chế, song các đội quân này lo kiềm chế lẫn nhau, không chịu hợp tác với nhau. Cuối cùng, liên quân của Phiên Ngung quận thái thú Trần Bá Tiên cùng với Vương Tăng Biện được Tương Đông vương Tiêu Dịch phái đi diệt trừ được Hầu Cảnh. Tương Đông vương Tiêu Dịch kế vị ở Giang Lăng, tức Lương Nguyên Đế. Vũ Lăng vương Tiêu Kỷ cứ thủ Ích châu cũng tuyên bố xưng đế, đồng thời tiến đánh Giang Lăng. Lương Nguyên Đế cầu cứu Tây Ngụy, Tây Ngụy diệt Tiêu Kỷ rồi chiếm lĩnh Ích châu. Năm sau, cháu nội của Lương Vũ Đế là Tiêu Sát dẫn quân Tây Ngụy thừa cơ tiến công Giang Lăng, Lương Nguyên Đế bị giết, Tây Ngụy lập Tiêu Sát làm hoàng đế, sử gọi là Tây Lương. Sau khi Lương Nguyên Đế bị sát hại, Trần Bá Tiên và Vương Tăng Biện lập Tấn An Vương Tiêu Phương Trí làm hoàng đế, tức Lương Kính Đế. Sau đó, Bắc Tề đưa Tiêu Uyên Minh về nam, quân Lương bị đánh bại, Vương Tăng Biện khuất phục và nghênh lập Tiêu Uyên Minh làm Lương đế. Trần Bá Tiên phản đối và suất quân giết Vương Tăng Biện, phục lập Lương Kính Đế. Sau đó, Trần Bá Tiên đánh bại cuộc xâm lược của Bắc Tề và dư đảng của Vương Tăng Biện, chuyên chính triều đình Lương. Cuối cùng, Trần Bá Tiên soán vị vào năm 557, kiến quốc Trần, sử gọi là Trần Vũ Đế, Lương mất.

Trần

Trần Vũ Đế Trần Bá Tiên

Trần Vũ Đế là người Ngô Hưng, là người Ngô phương nam. Đương thời "Kiều tính thế tộc" và "Ngô tính thế tộc" đều do loạn Hầu Cảnh mà chịu thương tổn nghiêm trọng, rất nhiều địa phương có thế lực cát cứ. Do Trần Vũ Đế không có cách nào bình định hết nên đành chọn phương thức an phủ. Sau khi Trần Vũ Đế qua đời vào năm 559, cháu là Trần Thiến kế vị, tức Trần Văn Đế. Vương Lâm cát cứ ở Lương Hồ tiến hành nổi dậy, liên hiệp với Bắc Tề và Bắc Chu để đông chinh Kiến Khang. Trần Văn Đế trước tiên đánh tan liên quân Vương Lâm-Bắc Tề, kế tiếp phong tỏa Ba Khâu để cản trở Bắc Chu xuôi theo Trường Giang đông tiến. Trong thời gian Trần Văn Đế tại vị, chính trị tốt đẹp, phục hồi kinh tế Giang Nam, khiến quốc thế Nam triều khôi phục.[19]

Năm 566, sau khi Trần Văn Đế qua đời, Thái tử Bá Tông kế vị, tức Trần Phế Đế. Không lâu sau, An Thành Vương Trần Húc phế hoàng đế tự lập, tức Trần Tuyên Đế. Đương thời, Bắc Chu có ý đồ diệt Bắc Tề, do vậy yêu cầu Trần cùng phạt Bắc Tề. Trần Tuyên Đế do nghĩ có thể thu phục được khu vực Hoài Nam nên quyết định đồng ý, năm 573 phái Ngô Minh Triệt Bắc phạt, hai năm sau thu phục Hoài Nam. Đương thời, Bắc Tề suy lạc, Trần Tuyên Đế bản thân có khả năng thừa cơ mà đánh diệt, song lại chỉ muốn cố thủ khu vực Lưỡng Hoài. Sau khi Bắc Chu thừa cơ đánh diệt Bắc Tề, đến năm 577 thì nam chinh đoạt Lưỡng Hoài, quân Trần thảm bại, Trần lâm vào thế nguy hiểm. Tuy nhiên, Bắc Chu Vũ Đế đột nhiên qua đời, quyền thần Dương Kiên chuẩn bị soán vị, Bắc Chu rốt cuộc không còn ý nam chinh. Sau khi Dương Kiên kiến lập triều Tùy, Trần Tuyên Đế qua đời, Thái tử Thúc Bảo kế vị, tức Trần Hậu Chủ. Trần Hậu Chủ hoang dâm xa xỉ, khiến quốc chính đại loạn, triều chính hủ bại cực độ. Quan lại bóc lột nghiêm trọng, nhân dân cực khổ. Tùy Văn Đế nghe theo sách lược của Cao Quýnh, cứ đến mùa phương nam thu hoạch thì đốt phá đất ruộng, khiến quốc lực của Trần suy thoái. Năm 588, Tùy Văn Đế cho Dương Quảng làm chủ tướng, phát động chiến tranh nhằm diệt Trần. Trần Hậu Chủ ỷ thế có Trường Giang là thiên hiểm nên vẫn ca vũ như thường lệ.[20] Năm sau, quân Tùy đánh vào Kiến Khang, Trần Hậu Chủ cùng ái phi Trương Lệ Hoa và Khổng quý nhân chui xuống giếng trốn, song sau vẫn bị quân Tùy bắt, Trần mất.